TÁCH CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ TƯ VẤN PHÁP LÝ VỚI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Luật gia-Kiểm toán viên Phạm Thế Vinh

GĐ Cty Tư vấn Luật & Kiểm toán Hoàng Gia-SCCT

Cho đến nay, việc đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp lý theo loại hình Công ty TNHH của Luật doanh nghiệp và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước vẫn chưa được triển khai mặc dù Thủ tướng đã có Chỉ thị số 17/2002/CT-TTg ngày 02/08/2002 và Chỉ thị 27/2003/CT-TTg ký từ ngày 11/12/2003 qua các Hội nghị Thủ tướng gặp Doanh nghiệp trong 5 năm qua. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ lại ra tiếp Chỉ thị số 40/2005/CT-TTg ngày 16/12/2005 yêu cầu các Bộ trưởng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và chỉ đạo sâu sát việc thực hiện có kết quả các giải pháp và nhiệm vụ tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN theo Chỉ thị 27/2003/CT-TTg nói trên.

Mặc dù, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2000/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp từ ngày 03/02/2000, trong đó có quy định việc đăng ký kinh doanh dịch vụ pháp lý. Trong khi Luật Doanh nghiệp đã được triển khai một cách mạnh mẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển thì ngành dịch vụ pháp lý mà cụ thể là tư vấn pháp luật vẫn chưa được triển khai đăng ký kinh doanh, cho dù Thủ tướng đã có Chỉ thị số 17/2002/CT-TTg ngày 02/8/2002 chỉ đạo trong quý III (2002) Bộ Tư pháp phải ban hành Thông tư hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ pháp lý theo Luật Doanh nghiệp. Tiếp theo đó, cũng qua hội nghị Thủ tướng gặp Doanh nghiệp hàng nam, Thủ tướng Chính phủ lại ra tiếp Chỉ thị 27/2003/CT-TTg ký ngày 11/12/2003 đã quy định giao Bộ Tư pháp “Ban hành Thông tư hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn pháp lý theo hướng luật sư và những người có đủ điều kiện, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp đều được quyền cung ứng dịch vụ tư vấn pháp lý”.

 

Cho đến nay, đây là một vướng mắc từ khi triển khai Luật Doanh nghiệp và hiện nay chưa được tháo gỡ, gây cản trở không những đến hoạt động của các Công ty TNHH tư vấn pháp luật đã đăng ký kinh doanh trước đây (Nghị định 29/CP hướng dẫn Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994 đã quy định “ Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp để thực hiện tư vấn pháp lý” và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi  năm 1998) quy định rõ: Khuyến khích các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tư vấn về pháp luật và xem đây là hoạt động hỗ trợ đầu tư nên chỉ dịch vụ tư vấn pháp lý mới thuộc danh mục ưu đãi đầu tư), mà còn ngăn cản người dân đầu tư mới vào lĩnh vực này. Điều này càng không phù hợp với chủ trương phát triển mạnh các dịch vụ cao cấp của Đảng và Nhà nước, trong đó đều xác định rõ 2 loại ngành nghề là: hành nghề tư vấn pháp lý, hành nghề luật sư. Trong thực tiễn hiện nay, việc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý (có thu phí) trên thị trường có 3 chế định liên quan đến 2 loại hành nghề dịch vụ nói trên như sau:

1/ Các Công ty TNHH hoạt động theo chế định Luật Doanh nghiệp và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước quy định chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật (khoông tham gia tố tụng).

2/ Các tổ chức Luật sư hoạt động theo chế định Pháp lệnh Luật sư chuyên cung cấp dịch vụ tố tụng, ngoài ra còn cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật.

3/ Các trung tâm tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật (không tham gia tố tụng) theo chế định Nghị định 65/2003/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật.

Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Tư pháp cần tách việc cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn pháp lý với Chứng chỉ hành nghề luật sư (Chứng chỉ dịch vụ pháp lý) để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư chỉ muốn chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật cho DN theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước quy định (không cung cấp dịch vụ tố tụng), còn Chứng chỉ hành nghề luật sư thì được quyền đăng ký kinh doanh dịch vụ tố tụng và dịch vụ tư vấn pháp lý.

Việc tách hành nghề dịch vụ tư vấn pháp luật còn phù hợp với quy định cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA) khi muốn tư vấn pháp luật Việt Nam, “ Công ty luật nước ngoài phải thuê người tốt nghiệp đại học Luật Việt Nam và đáp ứng những yêu cầu áp dụng như đối với một người hành nghề Việt Nam (Vietnamese practitioners)”. Như vậy, theo cam kết này cũng không bắt buộc người hành nghề tư vấn pháp luật Việt Nam phải là luật sư Việt Nam và trên thực tế hiện nay, Việt Nam cũng không bắt buộc họ phải là Luật sư Việt Nam.

Việc chia 2 loại hình hành nghề dịch vụ nói trên cũng tương tự như Luật kế toán quy định hành nghề kế toán, còn Nghị định số 105/2004/NĐ-CP về kiểm toán độc lập quy định hành nghề lkiểm toán. Theo đó, Chứng chỉ kiểm toán viên vừa được đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán và dịch vụ kế toán, còn Chứng chỉ hành nghề kế toán chỉ được đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán. Mặt khác, việc đăng ký kinh doanh tư vấn pháp lý theo Luật DN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN kinh doanh đa lĩnh vực như vừa kinh doanh kiểm toán vàư kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp lý như quy định tại Quyết định số 87/2005/QĐ-BTC ngày 01/12/2005 về chuẩn mực kiểm toán, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, theo dự thảo Luật Luật sư vừa mới được Quốc hội cho ý kiến thì đã có loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn hành nghề luật sư. Đây là một thuận lợi cho các Công ty TNHH đã đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp luật trước đây cũng như việc triển khai cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn pháp lý nói trên.

Từ những trình bày trên đây rất mong Bộ Tư pháp sớm triển khai việc cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn pháp lý để đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp luật theo Luật Doanh nghiệp theo Chỉ thị 27/2003/CT-TTg: cấp “Chứng chỉ hành nghề tư vấn pháp lý theo hướng dẫn luật sư và những người có đủ điều kiện, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp đều được quyền cung ứng dịch vụ pháp lý”, còn Chứng chỉ hành nghề luật sư được quyền đăng ký kinh doanh dịch vụ tố tụng và dịch vụ tư vấn pháp luật. Có như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản và nhanh chóng cho DN chuyên tư vấn pháp lý mà không cần phải trải qua thủ tục phức tạp hành nghề tố tụng của Luật sư khi DN không kinh doanh dịch vụ tố tụng. Điều này góp phần đẩy mạnh phát triển các dịch vụ cao cấp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Hơn nữa, trong bối cảnh Chính phủ đã có Nghị định 135/204/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 32/2005 về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật thì việc “hành động” hoặc “không hành động” ban hành văn bản quy phạm pháp luật kịp thời theo quy định đều xem là “hành vi trái pháp luật” cần phải được khắc phục./

  • Bài viết này đã đăng tin trên:

-Báo Đầu tư số 6 ngày 13/1/2006