NGĂN CHẬN VIỆC MUA BÁN, SỬ DỤNG HOÁ ĐƠN BẤT HỢP PHÁP

Luật gia-Kiểm toán viên Phạm Thế Vinh

                                    GĐ Cty Tư vấn Luật & Kiểm Toán Hoàng Gia – SCCT

Thời gian gần đây, một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng mua bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp kể cả hoá đơn đặc thù như vé… để thu lợi bất chính, chiếm đoạt tiền thuế GTGT, thuế TNDN, tham ô tài sản nhà nước. Các hoá đơn này đều là ấn chỉ thuế nên phải được quản lý một cách nghiêm ngặt theo đúng quy định. Việc mua bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp cần phân biệt 02 trường hợp:

 

1)     Hoá đơn thật nhưng hành vi mua bán, sử dụng bất hợp pháp, gồm:

+ Mua bán hoá đơn chưa ghi nội dung.

+ Mua bán hoá đơn có ghi nội dung (kể cả vé) nhưng không có hàng hoá, dịch vụ kèm theo hoặc không đúng mặt hàng.

+ Có chệnh lệch về giá trị giữa các liên của hoá đơn.

+ Mua hoá đơn của DN đã bỏ trốn sau ngày có thông báo.

2)     Mua bán, sử dụng hoá đơn giả mạo (thường hoá đơn không ghi nội dung).

Hậu qủa của việc mua bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp không chỉ gây thiệt hại tài sản của Nhà nước thông qua thuế mà còn tạo ra sự không công bằng trong cạnh tranh giữa các DN cùng loại, làm băng hoại môi trường kinh doanh lành mạnh của nhà đầu tư, gây khó khăn cho những DN làm ăn chân chính.

Để ngăn chặn hành vi vi phạm hoá đơn nói trên, đối với trường hợp giả mạo hoá đơn nhằm bán hoá đơn cần phải xử lý nghiêm khắc bằng biện pháp chế tài hình sự, vì đây là hành vi giả mạo ấn chỉ thuế gây thiệt hại nghiêm trọng khó lường hết; còn đối với người mua, người sử dụng hoá đơn giả mạo thì tuỳ động cơ, mục đích mà sử lý nghiêm khắc bằng chế tài kinh tế, hành chính hoặc hình sự. Đối với trường hợp mua bán, sử dụng hoá đơn thật nhưng bất hợp pháp thì ngoài việc xử lý vi phạm bằng các biện pháp chế tài theo quy định, Nhà nước cần tác động bằng các biện pháp như sau:

* Về quản lý vi mô cần tách bạch giữa tiền với hàng như:

+ Tăng cường hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức.

+ Khoán bắt buộc công tác phí (gồm phí lưu trú, ăn uống, đi lại, điện thoại…) đối với nhân viên cơ quan Nhà nước mà không cần phải có hoá đơn để nhằm tách bạch người mua dịch vụ với bộ phận thanh toán trả tiền dịch vụ.

+ Mở rộng đối tượng kiểm toán độc lập bắt buộc. Bởi vì, thông qua thủ tục kiểm toán sẽ phát hiện các khoản chi phí, doanh thu có thực hay không, được ghi chép có đúng và đầy đủ không.

* Về quản lý vĩ mô: Nhà nước sớm ban hành Luật thuế thu nhập cá hnân, khi đó khi DN cung ứng hàng hoá, dịch vụ cho cá nhân đều cần phải xuất hoá đơn để cá nhân được khấu trừ thu nhập./.

Bài viết này đã đăng tin trên:

– Báo Diễn đàn Doanh nghiệp số 102 ngày 23/12/2005