HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ CẦN ĐĂNG KÝ KINH DOANH THÔNG THOÁNG

Luật gia-Kiểm toán viên Phạm Thế Vinh

                                                         GĐ Cty Tư vấn Luật & Kiểm Toán Hoàng Gia-SCCT

Để hoạt động cung ứng dịch vụ pháp lý của luật sư trở thành dịch vụ thương mại trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới, qua nghiên cứu dự thảo Luật Luật sư lần thứ 5 (06/10/2005), tôi xin góp một số ý kiến sau đây:

1/ Phạm vi hành nghề luật sư cần phù hợp với phân loại ngành, nghề kinh doanh:

Theo quy định hiện hành của Luật Thương mại thì cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, tất cả dịch vụ cung ứng cho người tiêu dùng không loại trừ dịch vụ pháp lý của luật sư đều là dịch vụ thương mại và phải thực hiện “nghĩa vụ đăng ký kinh doanh” theo Điều 7 của Luật thương mại. Do vậy, dự thảo quy định tổ chức luật sư đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp là trái với quy định của Luật Thương mại phải đăng ký kinh doanh và Luật Doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Nhiều nước trên thế giới đều quy định tổ chức luật sư phải đăng ký kinh doanh theo các loại hình doanh nghiệp. Ngoài ra, phạm vi hành nghề của luật sư cần gộp chung thành 2 lĩnh vực phù hợp với phân loại ngành, nghề kinh doanh và thông lệ quốc tế gồm:

1)     Tham gia tố tụng toà án và trọng tài (tranh tụng).

2)     Tư vấn pháp luật.

Bởi vì, phạm vi hành nghề “dịch vụ pháp lý khác” mà dự thảo đề cập đến gồm “thủ tục hành chính, dịch thuật hoặc xác nhận văn bản, giấy tờ và các giao dịch theo yêu cầu của khách hàng” thuộc nội dung hoạt động tư vấn pháp luật (theo điểm 1 Điều 7 về phạm vi tư vấn pháp luật Nghị định 65/2003/NĐ-CP). Hơn nữa, ngành nghề kinh doanh theo Luật doanh nghiệp không có ngành nghề “dịch vụ pháp lý khác”.

Như vậy, tư vấn pháp luật bao gồm việc đưa ra giải pháp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật và thực hiện dịch vụ hành chính pháp lý như: soạn thảo hợp đồng, hồ sơ pháp lý, xác nhận văn bản, giấy tờ, thay mặt giao dịch với cơ quan hữu quan theo yêu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, dự thảo còn đề cập đến dịch vụ dịch thuật thuộc hoạt động dịch vụ pháp lý khác, tuy nhiên, do tư vấn pháp luật là một nggành nghề riêng biệt, có mã số ngành, nghề đăng ký kinh doanh là 74994 (theo Thông tư liên tịch 07/2001/TTLT-BKH-TCTK) nên không thể đăng ký ngành nghề tư vấn pháp luật lại thực hiện thêm ngành nghề dịch thuật được. Ngoài ra, dự thảo mở rộng không giới hạn lĩnh vực “tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật theo yêu cầu của khách hàng” là không phù hợp với pháp luật chuyên ngành. Chẳng hạn, Luật Kế toán quy định điều kiện tư vấn kế toán, tư vấn thuế phải có chứng chỉ hành nghề kế toán. Cho nên, cần giới hạn lĩnh vực pháp luật của tư vấn pháp lý khi tư vấn pháp luật chuyên ngành có quy định điều kiện tư vấn, bằng cách bổ sung thêm chữ “trừ lĩnh vực tư vấn có quy định điều kiện hành nghề riêng”. Bởi vì, tư vấn pháp luật khác với tư vấn chuyên ngành. Tư vấn chuyên ngành thực hiện dịch vụ kỹ thuật nghiệp vụ là chủ yếu, trong đó cũng có thể có tư vấn pháp luật về chuyên ngành. Chẳng hạn, tư vấn về sở hữu trí tuệ, về thuế, về kế toán, về xây dụng, về đầu tư, về khoa học công nghệ…mà trong đó, tư vấn chuyên ngành (kể cả tư vấn pháp luật về chuyên ngành) do pháp luật chuyên ngành điều chỉnh.

2/ Không nên có chế định công nhận luật sư tập sự:

Dự thảo tuy không tuy không đề cập đến chế định công nhận luật sư tập sự nhưng lại quy định người tập sự hành nghề luật sư phải đăng ký việc tập sự tại Đoàn luật sư địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề mà mình tập sự là không phù hợp với việc cải cách thủ tục hành chính cũng như thông lệ quốc tế. Nhiều nước trên thế giới, ngay ở Mỹ không có quy chế công nhận lậut sư tập sự nên không quy định người tập sự phải dđăng ký tập sự và chỉ khống chế thời gian tập sự tối thiểu mà không giới hạn tối đa. Do vậy, việc đăng ký này cần quy định trong nghã vụ của tổ chức hành nghề luật sư khi nhận người tập sự luật sư và Đoàn luật sư sẽ quản lý việc nhận người tập sự (không quá quy định) và nội dung hướng dẫn của luật sư hướng dẫn. Chính tổ chức hành nghề luật sư là người hướng dẫn, quản lý, báo cáo kết quả tập sự với Đoàn luật sư người và xác nhận việc tập sự này. Còn Đoàn luật sư chỉ nên kiểm tra kết quả cuối cùng.

3/ Không được bắt buộc gia nhập Đoàn luật sư mới được hành nghề:    

Đoàn luật sư được xác định là tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Do vậy, không nên quy định bắt buộc phải gia nhập Đoàn luật sư là một trong những điều kiện để được phép hành nghề luật sư vì các lý do sau đây:

1-     Đoàn luật sư là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp nên phải hoạt động và tuân thủ theo quy định tại Điều 104 pháp nhân là tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Bộ Luật Dân sự cũng như quy định tự nguyện gia nhập của hội viên trong dự thảo Luật về Hội mà Quồc hội sắp thông qua. Điều này cũng phù hợp với quy định hiện hành của các Hội hành nghề bác sỹ, kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, kiểm toán viên, người hành nghề kế toán…không bắt buộc phải gia nhập như la điều kiện để được phép hành nghề và nhất là Luật Kế toán đã được Quốc hội thông qua cũng nhất trí không bắt buộc phải gai nhập Hội kế toán mới được hành nghề.

2-     Nếu giao quyền cho Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, quyết định cahấp nhận việc xin gia nhập Đoàn luật sư như trong dự thảo dễ tạo ra tâm lý hạn chế việc gia nhập để hạn chế cạnh tranh nghề nghiệp vì Ban Chủ nhiệm đều là những người đang hành nghề. Thực tế, hầu hết Ban Chủ nhiệm các Đoàn luật sư thường chỉ xem xét, quyết định kết nạp theo từng đợt 6 tháng hoặc 1 năm một lần nên rất khó khăn cho người muốn gia nhập để hành ngề ngay khi có nhu cầu chứ không phải trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.

3-     Nếu quy định việc gia nhập Đoàn luật sư là điều kiện bắt buộc để hành nghề luật sư thì sẽ dẫn đến hệ quả là khi Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, quyết định chấp nhận việc xin gia nhập Đoàn luật sư của công dân Việt Nam là thực hiện nhiệm vụ thuộc công vụ nhưng nếu vi phạm công vụ này thì không thể áp dụng chế tài công vụ để xử lý vì Ban Chủ nhiệm không phải là công chức nhà nước, cho nên nếu quy định điều kiện bắt buộc nói trên càng tạo thêm sự bất hợp lý này.

4-     Nếu quy định việc gia nhập Đoàn luật sư là điều kiện bắt buộc để hành nghề thì sẽ biến Đoàn luật sư mỗi địa phương thành cơ quan quản lý nhà nước thứ 2 về luật sư (do thực hiện công vụ) ngoài quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, điều này trái với nguyên tắc hoạt động của tổ chức xã hội nghề nghiệp.

5-     Nếu quy định việc gia nhập Đoàn luật sư là điều kiện bắt buộc sẽ hành chánh hoá tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Đoàn luật sư làm hạn chế tính năng động của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Đoàn luật sư.

Do vậy, không nên quy định bắt buộc phải gia nhập Đoàn luật sư là một trong những điều kiện để được phép hành nghề luật sư mà chỉ cần quy định người hành nghề luật sư phải tuan theo pháp luật và các chuẩn mực nghề nghiệp. Bởi vì nếu quy định bắt buộc như dự thảo vừa trái pháp luật, trái nguyên tắc hoạt động của Hội nghề nghiệp vừa bất bình đẳng với các Hội hành nghề khác của bác sỹ, kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, kiểm toán viên, người hành nghề kế toán./

* Bài viết này đã đăng tin trên:

-Báo Pháp Luật Việt Nam chuyên đề 1 Tháng 5/2006

-Báo Sài gòn Giải phóng ngày 29/5/2006.