FRANCHISE TRONG LĨNH VỰC KẾ TOÁN, THUẾ.

FRANCHISE TRONG LĨNH VỰC KẾ TOÁN, THUẾ: MỘT PHƯƠNG THỨC QUỐC TẾ HÓA CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ. (*)

                                    Luật gia-Kiểm toán viên Phạm Thế Vinh

                         GĐ Cty Tư vấn Luật & Kiểm Toán Hoàng Gia-SCCT

 

1.Franchise là gì?

 

Franchise trên thế giới xuất hiện đầu tiên tại Mỹ, vào giữa thế kỷ 19. Đến nay Franchise đã trở thành một phương thức kinh doanh hiện đại, rất phổ biến. Tại Mỹ, gần một nửa doanh số bán lẻ được thực hiện thông qua các hệ thống Franchise.

Mặt dù chưa có định nghĩa thống nhất trên thế giới, nhưng khái quát chung, Franchise là phương thức kinh doanh mà theo đó, Bên nhượng quyền (Franchisor, doanh nghiệp sản xuất hoặc mua bán hoặc dịch vụ) cho phép Bên nhận quyền (Franchisee, doanh nghiệp kinh doanh độc lập) sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu kinh doanh và bí quyết kinh doanh hoặc quy trình vận hành hệ thống kinh doanh. Ngược lại, Bên nhận quyền phải trả phí ban đầu, gồm: phí nhượng quyền (Franchise fee), phí lãnh thổ (territorial fee) trong trường hợp ký hợp đồng qua Bên nhượng quyền của  khu vực) và phí bản quyền (royalty fee) khi kinh doanh hoặc cũng có một số hệ thống nhượng quyền thu phí cố định trả một lần trong thời gian nhượng quyền.

 

2.Franchise ở Việt Nam ra đời và phát triển. Nhượng quyền thương hiệu hay nhượng quyền thương mại.

Franchise tuy đã ra đời và phát triển mạnh tại các nước phát triển trong vòng 150 năm qua nhưng phương thức kinh doanh này thâm nhập Việt Nam chỉ gần 15 năm. Trong đó, Café Trung Nguyên là người đầu tiên áp dụng mô hình Franchise tại Việt Nam và có thể nói đã đạt được những thành tựu to lớn trong những giai đoạn đầu tiên xây dựng và phát triển mô hình mới mẻ này và đang mở rộng ra nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Thái Lan…). Các thương hiệu khác, như: Trà Qualitea, Phở 24, Kinh Đô… cũng đang xây dựng hệ thống Franchise trong nước, từng bước mở rộng ra nước ngoài. Trên thực tế, hoạt động Franchise diễn ra mạnh mẽ hơn nhiều nhưng không chính thức, như: các cơ sở bảo dưỡng ôtô, xe gắn máy do Honda, Suzuki, Yamaha … ủy quyền; các cơ sở đào tạo tin học, công nghệ thông tin được cấp bằng quốc tế, như: Oracle, Aptech … tại Việt Nam; các cơ sở chăm sóc sắc đẹp TIGI …

Mặc dù hoạt động Franchise đã  thâm nhập Việt Nam gần 15 năm nhưng chỉ đến gần đây Chính phủ mới có Nghị định số 11/2005/NĐ-CP ngày 02/02/2005 quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ. Trong đó, có đề cập đến hoạt  động “cấp phép đặc quyền kinh doanh, theo đó Bên nhận sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa và bí quyết của Bên giao để tiến hành hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ thương mại. Thời hạn Hợp đồng cấp phép đặc quyền kinh doanh do hai Bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật” là “một trong những nội dung chuyển giao công nghệ”. Như vậy, theo quy định đầu tiên và hiện hành của pháp luật Việt Nam thì hoạt động Franchise được gọi chính thức là cấp phép đặc quyền kinh doanh thuộc hoạt động chuyển giao công nghệ có đối tượng sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu hàng hóa) nên có người gọi đây là nhượng quyền thương hiệu, Cũng theo quy định hiện hành, hoạt động nhượng quyền này vừa phải đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ (bắt buộc đăng ký: +khi chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam;+Từ Việt Nam ra nước ngoài;+Chuyển giao trong nước có gía trị từ 500.000.000 đồng trở lên, nếu dưới 500.000.000 đ thì tự nguyện đăng ký), vừa phải đăng ký (bắt buộc mới có hiệu lực) Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng (Hợp đồng license) các đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định pháp luật về sở hữu công nghịêp  mà cả 2 loại Hợp đồng này đều do cơ quan thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý. Tuy nhiên, các quy định này hiện chưa điều chỉnh đến phí nhượng quyền (Franchise fee), phí lãnh thổ (territorial fee)  và phí bản quyền (royalty fee) trong hoạt động Franchise là một hạn chế lớn cho các bên chuyển nhượng.

Thực tiễn ở Việt Nam vừa qua cho thấy, Bên nhượng quyền (Franchisor) và Bên nhận quyền (Franchisee) đều có lợi, rủi ro được giảm thiểu, nhưng làm thế nào để bên nhượng quyền kiểm soát các hoạt động của bên nhận quyền sao cho đúng như cam kết, nhằm bảo vệ thương hiệu là một bài toán khó. Chẳng hạn, Công ty Cà phê Trung Nguyên cho biết  sẽ phải tiếp tục đổi mới và chuẩn hóa phương thức nhượng quyền thương hiệu của mình nhằm thiết lập những cam kết thật chặt chẽ giữa hai Bên mà hiện nay còn gặp nhiều rắc rối, nhất là về các ràng buộc pháp lý liên quan đến bảo vệ thương hiệu và cách thức trả phí nhượng quyền. Cho nên, trước khi tính đến chuyện vươn ra thị trường nước ngoài, các DN Việt Nam với tư cách là Bên nhượng quyền  cần chú trọng thị trường nội địa trước để tạo nền tảng, đồng thời củng cố tiềm lực, khi đã thừa sức thì mới nên vươn ra nước ngoài. Đối với Bên nhận quyền thì Franchise là phương thức rất phù hợp khi hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi vì, Việt Nam đang mở dần thị trường dịch vụ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì phương thức kinh doanh này rất phù hợp với ngành dịch vụ và tận dụng được những lợi thế sẵn có để thu lợi nhuận ngay giai đoạn đầu. Do vậy, việc mua Franchise là một giải pháp tốt để tránh việc cạnh tranh khốc liệt với những công ty lớn đã có kinh nghiệm và tiềm lực. Đây cũng là một giải pháp tránh rủi ro cho các công ty nước ngoài trong thương mại quốc tế thay cho hoạt động đầu tư. Các nhà kinh tế nhận định: khi VN được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới thì Franchise sẽ phát triển mạnh mẽ. Trước sự bùng nổ của nó, nhất thiết chúng ta phải sớm hoàn chỉnh khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động này.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật thương mại (năm 2005), trong đó đã xác định rõ, Franchise là nhượng quyền thương mại, là hoạt động thương mại (không phải là chuyển giao công nghệ như quy định hiện hành, điều này phù hợp với tập quán thương mại thế giới), theo đó Bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu Bên nhận quyền tự mình tiến hành mua bán, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện:

1.Theo cách thức tổ chức kinh doanh do Bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của Bên nhượng quyền (không phải là bí quyết về công nghệ như đối tượng chuyển giao công nghệ).

2.Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho Bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Như vậy, theo Luật thương mại (2005) có hiệu lực từ 01/01/2006 thì trước khi nhượng quyền thương mại, Bên dự kiến nhượng quyền phải đăng ký với Bộ Thương mại. Điều này nghĩa là, việc đăng ký hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ về đúng nơi, phù hợp với bản chất của nó là Bộ Thương mại thay cho việc đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ trước đây, còn việc sử dụng license về nhãn hiệu hàng hóa cũng không còn bắt buộc phải đăng ký hợp đồng license như quy định hiện hành mà là tự nguyện của hai Bên (vấn đề này sẽ càng được làm rõ hơn trong Luật sở hữu trí tuệ mà Quốc hội đã ban hành).

 

3.Franchise trong lĩnh vực kế toán, thuế. Tại sao không Franchise trong lĩnh vực kiểm toán.

 

Khi tham dự Hội chợ Quốc tế (International Franchise Expo) lần thứ 14 tại Washington vào tháng 4/2005 do Thương vụ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức, điều gây ngạc nhiên cho tôi về danh mục sản phẩm đưa ra nhượng quyền đầu tiên là dịch vụ kế toán/thuế chứ không phải là hàng hóa tiêu dùng. Bởi vì, việc khai thuế, làm kế toán liên quan đến mọi người dân, không chừa một ai (họ áp dụng thuế thu nhập dân cư từ lâu chứ không chỉ áp dụng thuế thu nhập cá nhân của người có thu nhập cao như ở Việt Nam). Tuy nhiên, khi đặt vấn đề tại sao không Franchise đối với dịch vụ kiểm toán thì tôi được Ông Marcel R. Portmann, Phó Chủ tịch Hiệp hội Franchise Quốc tế (IFA) trả lời: dịch vụ kiểm toán chịu trách nhiệm độc lập, trực tiếp của cá nhân hành nghề nên không thể nhượng quyền cho người khác được.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc nhượng quyền thương mại đối với dịch vụ kế toán (bao gồm dịch vụ kê khai thuế) là điều chưa từng biết đến. Cho đến nay, pháp  luật hiện hành của Việt Nam chỉ mới đề cập đến DN kiểm toán được tham gia làm thành viên (Member) của một tổ chức kế toán, kiểm toán quốc tế và sau khi kết nạp thì thực hiện kiểm toán dưới tên của tổ chức nước ngoài và tên của mình theo quy định của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP về kiểm toán độc lập. Việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa của tổ chức nước ngoài mà mình là thành viên thì nhãn này là nhãn hiệu tập thể (Collective mark). Mặt khác, việc cung cấp dịch vụ vừa gắn nhãn hiệu của tổ chức nước ngoài, vừa gắn nhãn hiệu của mình thực chất đây chính là một phần của Franchise. Việc trả phí thành viên tùy theo quy chế thành viên của mỗi tổ chức nước ngoài, chẳng hạn một DN kiểm toán hiện nay phải trả phí tham gia thành viên là 13% doanh thu trong 3 năm đầu. Trong khi đó, phí nhượng quyền cũng không chênh lệch nhiều, chẳng hạn Công ty Liberty Tax Service ở Mỹ chào bán việc nhượng quyền dịch vụ kế toán/thuế với phí bản quyền là 9% trên doanh thu dịch vụ và đồng thời phải trả thêm phí quảng cáo 5% cũng trên doanh thu. Đìêu  cần lưu ý khi nhận nhượng quyền trong lĩnh vực kế toán/thuế là: cho dù cách thức tổ chức kinh doanh (quy trình nghiệp vụ …) do Bên nhượng quyền quy định và có quyền kiểm soát và trợ giúp cho Bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh nhưng các chuẩn mực kế toán/pháp luật thuế phải áp dụng là của Bên nhận quyền chứ không phải chuẩn mực/pháp luật của Bên nhượng quyền.

Từ những nội dung trình bày trên đây, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới thì phương thức kinh doanh nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kế toán cũng cần thiết bổ sung cho phù hợp với thông lệ quốc tế, Bởi vì, Franchise cũng là một phương thức quốc tế hóa chất lượng dịch vụ kế toán./.

(*) Bài viết này đã được đăng trên:

     -Báo Diễn đàn Doanh nghiệp số 97 ngày 07/12/2005.

     -Tạp chí Pháp luật Việt Nam chuyên đề số 1 tháng 2.2006

     -Tạp chí Kiểm toán số 4(65) tháng 4-2006.

     -Website Hội Kế toán & Kiểm toán TP Hồ Chí Minh.