Quy định mới Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính 2 ngày đã bị Chi cục Thuế và Tòa án vô hiệu hóa khi xử phạt doanh nghiệp

                                                                       Luật sư-Kiểm toán viên Phạm Thế Vinh

Sau giai đoạn đại dịch Covid-19, kế toán của doanh nghiệp nọ vừa quay lại làm việc vào đầu tháng 11/2021 do bản thân bị cách ly vì bị bệnh Covid-19 và có bệnh nền nên xin phép nghỉ dưỡng bệnh nên việc nhập số liệu, lập và nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý qua Cổng thuế điện tử của Tổng cục Thuế bị trễ hạn theo quy định. Tuy nhiên, Chi cục Thuế Quận 1 TP HCM đã lập biên bản quá thời hạn quy định nhưng vẫn ra quyết định xử phạt trong khi, lần đầu tiên Chính phủ quy định thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính không quá 2 ngày có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã không được nhiều Chi cục Thuế tuân thủ.

Vô hiệu hóa quy định mới thời hiệu lập biên bản vi phạm hành chính:

Khi doanh nghiệp nọ nhận được Giấy mời ngày 18/4/2022 ghi rõ: “Qua rà soát tình hình nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (Mẫu BC26/AC ) trên hệ thống quản lý của cơ quan thuế, Chi cục Thuế Quận 1 nhận thấy người nộp thuế đã nộp báo cáo BC26/AC trễ hạn,..

Chi cục Thuế Quận 1 trân trọng kính mời:

-Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến Chi cục Thuế Quận 1 để đối chiếu nội dung nêu trên và lập Biên bản xử phạt về việc kê khai báo cáo BC26/AC trễ hạn.

-Thời gian: Vào lúc 14 giờ 00 phút, ngày 26 tháng 4 năm 2022

NNT khi đến làm việc, vui lòng mang theo …Giấy ủy quyền (có nội dung ghi rõ “…được ký biên bản vi phạm hành chính…”) trong trường hợp được ủy quyền”

Như vậy, chỉ xét qua Giấy mời ký ngày 18/4/2022 nói trên thì “khi phát hiện vi phạm” của người nộp thuế đã nộp báo cáo BC26/AC trễ hạn cũng chính là ngày 18/4/2022 và so với thời gian mời đến “để đối chiếu nội dung nêu trên và lập Biên bản xử phạt” là ngày 26/4/2022 thì đã kéo dài đến 6 ngày làm việc. Thực tế, Chi cục Thuế lập Biên bản vi phạm hành chính về hóa đơn vào ngày 06/5/2022, kéo dài đến 18 ngày làm việc.

 Sau khi nhận Biên bản vi phạm hành chính về hóa đơn thì doanh nghiệp đã có Văn bản giải trình và chỉ ra việc lập Biên bản quá thời hạn quy định 2 ngày theo quy định của Nghị định số  118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính mà tại điểm a) khoản 2 của  Điều 12 quy định “2. Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính: a) Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính” nhưng Chi cục Thuế Quận 1 vẫn ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn ngày 11/5/2022. Nhận thấy Quyết định này trái quy định pháp luật nên doanh nghiệp làm Đơn khiếu nại Chi cục Thuế  nhưng Chi cục Thuế viện dẫn quy định “Giải thích từ ngữ” tại khoản 9 của Điều 2 của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn:  “9. Ngày phát hiện hành vi vi phạm là ngày người có thẩm quyền đang thi hành công vụ lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm hành chính của đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.”. Như vậy, Chi cục Thuế đã vô hiệu hóa quy định mới của Chính phủ để áp dụng cách giải thích pháp luật cũ gây bất lợi cho doanh nghiệp khi cho rằng “Ngày phát hiện hành vi vi phạm” đương nhiên trở thành “là ngày người có thẩm quyền đang thi hành công vụ lập biên bản”, suy ra là cùng là ngày 06/5/2022 nên luôn luôn không quá hạn 2 ngày làm việc” thì thật là vô lý. Và việc áp dụng tùy tiện khái niệm “Ngày phát hiện hành vi vi phạm” này trong lập biên bản lại mâu thuẫn với chính điểm b) khoản 2 của Điều 36 trong cùng Nghị định số 125/2020/NĐ-CP này “b) Lập biên bản vi phạm hành chính điện tử: Trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế, chậm thay đổi thông tin đăng ký thuế, chậm nộp hồ sơ khai thuế, hồ sơ khai quyết toán thuế bằng phương thức điện tử thì chậm nhất một ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế gửi thông báo tiếp nhận hồ sơhoặc thông báo chấp nhận hồ sơ”. Như vậy, “Giải thích từ ngữ” nói trên không phải áp dụng để tính ngày làm việc khi lập biên bản vi phạm. Điều đáng nói là, Công văn trả lời Chi cục Thuế Quận 1 hỏi của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh số 7502/CTTPHCM-NVDTPC ngày 28/6/2022 V/v vướng mắc xử phạt vi phạm hành chính cho rằng Chi cục Thuế Quận 1 đã áp dụng đúng quy định! Cách áp dụng giải thích pháp luật cũ nhưng còn phổ biến hiện nay dẫn đến hiện trạng cho dù cơ quan Thuế phát hiện vi phạm nhưng để đến 100 ngày sau mới lập Biên bản vi phạm thì cũng không bao giờ quá hạn 1 giây chứ nói chi đến 2 ngày, làm cho quy định “lập biên bản trong thời hạn 02 ngày làm việc” của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP trở thành vô nghĩa trong khi, lần đầu tiên Chính phủ được Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi 2020) giao quy định thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính.

Không chấp nhận sự vô lý này, doanh nghiệp khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án nhân dân Quận 1 thì cũng nhận được kết quả như cũ, Hội đồng xét xử thấy: “khoản 8 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi 2020) “ Biên bản vi phạm hành chính phải được lập đúng nội dung, hình thức, thủ tục theo quy định của Luật này và là căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.” Như vậy, luật áp dụng trong xử phạt trong lãnh vực quản lý thuế là Nghị định số 125/2020/NĐ-CP; chỉ những nội dung Nghị định số 125/2020/NĐ-CP không quy định thì mới áp dụng Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, ở đây không có quy định khác nhau về cùng một vấn đề nên không áp dụng khoản 3 Điều 156 Luật ban hành quy phạm pháp luật như người khởi kiện đề nghị áp dụng.”

Phải áp dụng pháp luật gốc khi pháp luật chuyên ngành có dẫn chiếu ngược

Theo Công văn số 4485/TCT-PC V/v triển khai thực hiện Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Tổng cục Thuế ngày 01/12/2022 thì:

“5. Sử dụng các mẫu biên bản và mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.

6. Sử dụng mẫu số 01A/BB ban hành kèm theo Nghị định số 125/2020/NĐ-CPđể lập biên bản vi phạm hành chính về thuế bằng phương thức điện tử.”

Như vậy, trường hợp lập biên bản doanh nghiệp này phải áp dụng mẫu số MBB01– Biên bản vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP mà tại chú thích số 3 quy định: “(3) Ghi cụ thể địa điểm lập biên bản theo từng trường hợp:

– Trường hợp lập biên bản ngay tại thời điểm phát hiện ra hành vi vi phạm thì địa điểm lập biên bản là nơi xảy ra hành vi vi phạm.

– Trường hợp không lập biên bản tại thời điểm phát hiện ra hành vi có dấu hiệu vi phạm thì địa điểm lập biên bản là trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác.

Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do.” thì biên bản này nếu áp dụng “Ngày phát hiện hành vi vi phạm là ngày người có thẩm quyền đang thi hành công vụ lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm hành chính” theo Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì ngay tại thời điểm phát hiện ra hành vi vi phạm thì địa điểm lập biên bản là nơi xảy ra hành vi vi phạm tức là Cổng thuế điện tử của Tổng cục Thuế chứ không phải tại trụ sở của Chi cục Thuế Quận 1 như đã lập (sai nơi lập biên bản). Hơn nữa, Chi cục Thuế Quận 1 đã lập biên bản theo mẫu số 01/BB ban hành kèm theo Nghị định số 125/2020/NĐ-CP sai mẫu biên bản như hướng dẫn của Công văn số 4485/TCT-PC.

Thực vậy, theo quy định tại khoản 8 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi 2020) “ Biên bản vi phạm hành chính phải được lập đúng nội dung, hình thức, thủ tục theo quy định của Luật này và là căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Luật Quản lý thuế hiện không có quy định khác mà lại dẫn chiếu ngược,  được quy định tại khoản 1 Điều 136: “Việc xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.” và tại Điều 146 “Việc xử phạt vi phạm hành chính về phí, lệ phí, hóa đơn trong lĩnh vực quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ.” và chính tại điểm a) khoản 2 Điều 36. Nghi định số 125/2020/NĐ-CP quy định “Lập biên bản vi phạm hành chính: “Việc lập biên bản vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính“, nghĩa là việc lập biên bản vi phạm hành chính phải áp dụng Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, bao gồm biên bản vi phạm cũng như thời điểm phát hiện ra hành vi (chứ không phải “Ngày phát hiện hành vi vi phạm là ngày người có thẩm quyền đang thi hành công vụ lập biên bản” theo giải thích của Nghi định số 125/2020/NĐ-CP). Hơn nữa, tại khoản 1 Điều 7. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định: “Việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Cụ thể:

“3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.”. Nghĩa là, phải áp dụng Nghị định ban hành sau là Nghị định số 118/2021 về cùng một vấn đề “Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính: Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính và biên bản vi phạm theo  mẫu số MBB01 để ghi đúng quy định làkhông lập biên bản tại thời điểm phát hiện ra hành vi có dấu hiệu vi phạm thì địa điểm lập biên bản là trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản”  (chứ không phải “Ngày phát hiện hành vi vi phạm là ngày người có thẩm quyền đang thi hành công vụ lập biên bản” theo giải thích của Nghi định số 125/2020/NĐ-CP và cũng không phải mẫu biên bản số 01/BB).

Ngoài ra, vô hiệu hóa thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính còn dẫn đến vô hiệu hóa trách nhiệm về việc vi phạm thủ tục xử phạt, không kịp thời xử lý vi phạm hành chính và xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính./.