Luật gia & Kiểm toán Viên Phạm Thế Vinh
Cho đến nay, các Công ty TNHH đã đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp luật trước đây theo Nghị định 29/CP hướng dẫn Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994 đã quy định “ Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp để thực hiện tư vấn pháp lý” và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi năm 1998) quy định rõ: Khuyến khích các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tư vấn về pháp luật xem đây là hoạt động hỗ trợ đầu tư nên chỉ dịch vụ tư vấn pháp lý mới thuộc danh mục ưu đãi đầu tư.
Mặt khác, Chính phủ đã có nhiều văn bản quy định việc đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp như: Thủ tướng đã có Chỉ thị số 17/2002/CT-TTg ngày 02/08/2002 và Chỉ thị 27/2003/CT-TTg ký từ ngày 11/12/2003 đã quy định giao Bộ Tư pháp “Ban hành Thông tư hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn pháp lý theo hướng luật sư và những người có đủ điều kiện, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp đều được quyền cung ứng dịch vụ tư vấn pháp lý”.
Cho đến nay, việc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý (có thu phí) trên thị trường có 3 chế định liên quan đến 2 loại hành nghề dịch vụ nói trên như sau:
1/ Các Công ty TNHH hoạt động theo chế định Luật Doanh nghiệp và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước quy định chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật (không tham gia tố tụng).
2/ Các tổ chức Luật sư hoạt động theo chế định Pháp lệnh Luật sư (nay là Luật luật sư) chuyên cung cấp dịch vụ tố tụng và dịch vụ tư vấn pháp luật.
3/ Các trung tâm tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật (không tham gia tố tụng) theo chế định Nghị định 65/2003/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật.
Nếu như không tách được Chứng chỉ hành nghề tư vấn pháp luật với Chứng chỉ hành nghề luật sư thì Nhà nước nên cho phép Công ty TNHH đã đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp luật theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước trước đây phải hội đủ điều kiện hành nghề của Luật luật sư (có chứng chỉ hành nghề luật sư) mà không cần thiết phải chuyển đổi hình thức bởi vì:
1/Việc bắt buộc chuyển đổi Công ty TNHH theo Luật Doanh nghiệp thành các tổ chức hành nghề luật sư cũng là các hình thức kinh doanh của Luật Doanh nghiệp thay vào đó, các Công ty này chỉ cần xin Giấy phép hoạt động tư vấn pháp luật của Sở Tư pháp.
2/Nghị quyết của Quốc hội số 65/2006/QH11 về việc thi hành Luật luật sư có quy định “Trong thời hạn sáu tháng, cá nhân, tổ chức đang kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 1999 mà tiếp tục kinh doanh dịch vụ pháp lý thì phải có đủ các điều kiện hành nghề luật sư và phải chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, hiện nay Công ty TNHH đang hoạt động theo Luật doanh nghiệp 2005 và Luật đầu tư năm 2005 tại mà Điều 13 có quy định nhà đầu tư có quyền lựa chọn lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư; Đăng ký kinh doanh một hoặc nhiều ngành, nghề; thành lập doanh nghiệp theo quy định pháp luật, như vậy Luật doanh nghiệp 2005 khác với Luật doanh nghiệp năm 1999. Theo quy định của Luật ban hành văn bản thì Luật có gía trị cao hơn Nghị quyết Quốc hội. Bên cạnh đó, Công ty tư vấn đa ngành nghề là xu hướng trên thế giới, ngay Quyết định 87/2005/QĐ-BTC của Bộ Tài chính có hướng dẫn Công ty kiểm toán có tư vấn pháp luật.
3/Hơn nữa, theo Luật doanh nghiệp hiện hành thì không có quy định việc chấm dứt hoạt động mà chỉ quy định các trường hợp bị giải thể theo Điều 157, nhưng cũng không có trường hợp nếu không chuyển đổi loại hình theo quy định pháp luật thì bị giải thể.
4/Ngoài ra, theo Luật thương mại thì cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại và phải thực hiện «nghĩa vụ đăng ký kinh doanh» theo Điều 7. Như vậy, các Công ty TNHH tư vấn pháp luật đã đăng ký kinh doanh rồi thi tại sao phải từ bỏ đăng ký kinh doanh để mà chỉ đăng ký hoạt động không?
Từ những điều trình bày trên đây, nếu như Nhà nước không tách được Chứng chỉ hành nghề tư vấn pháp luật với Chứng chỉ hành nghề luật sư thì nên cho phép Công ty TNHH đã đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp luật theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước trước đây chỉ cần hội đủ điều kiện hành nghề của Luật luật sư (có chứng chỉ hành nghề luật sư) là được tiếp tục hoạt động mà không cần thiết phải chuyển đổi hình thức tổ chức luật sư./.
Ghi chú: Bài viết đã được đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam chuyên đề số 1 tháng 6/2007.