CẦN XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG DỊCH THUẬT CÔNG CHỨNG

Luật gia & Kiểm toán viên PHẠM THẾ VINH

Giám đốc Công ty Tư vấn Luật và Kiểm toán Hoàng Gia-SCCT

Dịch thuật văn kiện hành chính là một nhu cầu cần thiết của công dân cũng như tổ chức Việt Namhoặc nước ngoài nhằm đáp ứng các yêu cầu về thủ tục hành chính của Nhà nước Việt Nam hoặc nước ngoài.

Theo quy định hiện hành của nước ta, các trường hợp phải dịch thuật công chứng (công chứng chứng nhận bản dịch) là, ngoài việc dịch đơn yêu cầu và bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nưứoc ngoài có liên quan đến công dân hoặc tổ chức Việt Nam để toà án Việt Nam xem xét, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, các giấy tờ về việc người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam, nhận người Việt Nam là con ngoài giá thú, nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, nhận đỡ đầu người Việt Nam, bản di chúc… và ngược lại, các giấy tờ tiếng Việt dịch sang tiếng nước ngoài muốn được hợp pháp hoá lãnh sự của nước ngoài thì trước hết phải được công chứng chứgn nhận bản dịch mới có giá trị.

Hiện nay, hoạt động dịch thuật được coi là một phần của dịch vụ hành chính thuộc dịch vụ pháp lý của các tổ chức dịch vụ pháp lý (theo hướng dẫn của Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí mInh), mặt khác hoạt động dịch thuật của các Công ty dịch thuật cũng được coi là dịch vụ dịch thuật độc lập của lĩnh vực khoa học xã hội. Có lẽ vì vậy mà Nghị định 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước đã quy định hai loại người có thể thực hiện dịch thuật công chứng là: người có trình độ đại hoạc Luật mà thông thạo thứ tiếng đó và người có trình độ đại hoạc Ngoại ngữ. Hơn nữa, Nghị định 31 chỉ mới quy định hai trường hợp người dịch được phép dịch các bản dịch có công chứng và được ghi tên người dịch trên bản dịch, đó là:

–          Người dịch là cộng tác viên thường xuyên của Phòng công chứng do Giám đốc Sở Tư pháp công nhận theo đề nghị của Trưởng Phòng công chứng (thường với số lượng hạn chế đối với từng ngôn ngữ dịch).

–          Người tự dịch yêu cầu công chứng bản dịch nếu có đủ trình độ ngoại ngữ theo quy định thì cũng có thể tự dịch và đề nghị công chứng chứng nhận bản dịch của mình.

Ngay tại Công văn số 1644/CC ngày 01/12/1997 của Bộ Tư pháp cũng chỉ hướng dẫn mẫu cho người dịch là công tác viên của Phòng công chứng và người tự dịch. Do chưa có quy định riêng trường hợp công chứng bản dịch của các tổ chức dịch thuật nói chung nên hiện nay, các Phòng công chứng vẫn chỉ xem việc dịch thuật của các tổ chức dịch thuật như là người tự dịch (mỗi lần muốn công chứng bản dịch phải nộp đầy đủ thủ tục gồm bằng cấp, chứng minh nhân dân, hộ khẩu của người dịch thuật) rất rườm rà thủ tục và phiền phức không cần thiết

Hiện nay ở các nước, hầu hết các tổ chức dịch thuật đều có quyền đóng dấu và ký tên phiên dịch viên chịu trách nhiệm về việc dịch đúng và chính xác trên văn bản dịch thuật, còn công chứng viên chứng nhận “vào ngày đó chữ ký và con dấu trong văn bản này là chính xác và xác thực” thì bản dịch đó được quyền hợp pháp hoá lãnh sự của nước đó.

Ở nước ta, Nhà nước cho phép các cơ quan, tổ chức và cá nhân được dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng nước ngoài và chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch của mình (Điều 7 Nghị định 101/CP ngày 23/9/1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) là một bước xã hội hoá hoạt động dịch thuật. Đã đến lúc cần xã hội hoá hoạt động dịch thuật công chứng phù hợp với thông lệ quốc tế để giảm bớt công việc và gánh nặng cho cơ quan Nhà nước, mà cụ thể là Phòng công chứng vốn dĩ đã quá tải nhiều công việc và sự vụ không cần thiết bằng việc chuyển các cộng tác viên của Phòng công chứng về cộng tác tại các tổ chức dịch thuật. Khi đó, Phòng công chứng chỉ làm công việc công chứng chữ ký và con dấu của tổ chức dịch thuật. Các tổ chức dịch thuật chỉ cần thông báo danh sách và chữ ký của phiên dịch viên.

Việc xã hội hoá hoạt động này có nhiều điểm thuận lợi như ngoài việc giảm bớt gánh nặng công việc quản lý Nhà nước cho Phòng công chứng và sở tư pháp, còn giảm thời gian chờ đợi và các phí dịch vụ do nhiều tổ chức thực hiện và cạnh tranh tích cực trên thị trường. Mặt khác, không nên xem dịch vụ dịch thuật là một phần của dịch vụ pháp lý như hiện nay, bởi vì khái niệm dịch vụ pháp lý khác với dịch vụ dịch thuật.

  1. Hồ Chí Minh, ngày08/7/1998