GÓP VỐN BẰNG NHÃN HIỆU TẠI SAO KHÔNG ?

Luật gia-Kiểm toán viên Phạm Thế Vinh

    GĐ Cty Tư vấn Luật & Kiểm toán Hoàng Gia-SCCT

 

Mới đây ngày 20/9/2006, Tổng Cục Thuế đã có công văn số 3539/TCT-PCCS ngày 30/9/2006 không cho doanh nghiệp (Công ty TNHH Kinh Đô) được góp vốn bằng gía trị quyền sử dụng thương hiệu. Thật ra, nội dung công văn này dựa vào công văn 12414/BTC-CĐKT của Bộ Tài chính ngày 3/10/2005 đưa ra ý kiến, do ” 1- Theo Chuẩn mực kế toán – Tài sản cố định vô hình thì “thương hiệu” mặc dù là tài sản vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản vì: (1) Nó không phải là nguồn lực có thể xác định được, (2) Không đánh giá được một cách đáng tin cậy và (3) Doanh nghiệp không kiểm soát được. 2.Hiện nay, cơ chế tài chính của Nhà nước chưa quy định về giá trị quyền sử dụng thương hiệu. Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định cũng chưa quy định thương hiệu là tài sản cố định vô hình nên cũng chưa có cơ cở hướng dẫn hạch toán” nên  Tổng Công ty Bưu chính viễn thông (Công ty Điện toán và truyền số liệu) không được góp vốn thành lập công ty cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng thương hiệu.

Tài sản hợp pháp được quyền góp vốn và được Nhà nước bảo hộ

 

Trước hết, việc sử dung thuật ngữ “thương hiệu” trong các văn bản pháp luật trên đây là không chuẩn xác, vì thuật ngữ này chỉ sử dụng trong quản trị doanh nghiệp còn thuật ngữ trong pháp lý là nhãn hiệu đã được Luật sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 4. Ngoài ra, đối chiếu lại Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC thì “nhãn hiệu hàng hóa” đã được quy định là TSCĐ vô hình chứ không phải chưa quy định như trong công văn trên đã ghi (điểm 2.g Điều 4).

Theo Luật sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu Trí tuệ theo thủ tục đăng ký. Riêng đối với nhãn hiệu nổi tiếng (nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam) thì quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. Như vậy, khi doanh nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu của mình thì trở thành chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu) nên có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu này hoặc có quyền chuyển giao (trong đó có phương thức góp vốn) quyền sử dụng nhãn hiệu đó vào doanh nghiệp khác. Hơn nữa, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu là một trong những Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng được quy định Điều 75 của Luật sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, theo Nghị định 11/2005/NĐ-CP về chuyển giao công nghệ đã quy định phương thức đưa gía trị công nghệ được chuyển giao (có thể gắn với đối tượng sở hữu công nghiệp được phép chuyển giao)  vào vốn góp trong dự án đầu tư (Điều 24). Bên cạnh đó, Luật doanh nghiệp cho phép nhà đầu tư được quyền góp vốn bằng gía trị quyền sở hữu trí tuệ vào doanh nghiệp (Điều 4).

 Tuy nhiên, theo chuẩn mực kế toán và Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC thì nhãn hiệu hàng hóa được hình thành trong nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là TSCĐ vô hình. Nghĩa là, doanh nghiệp này (bên chuyển quyền) không được ghi nhận gía trị quyền sử dụng nhãn hiệu là TSCĐ vô hình. Nhưng khi góp vốn vào doanh khác, căn cứ vào chuẩn mực và quy định tài chính thì bên được chuyển quyền được ghi nhận ghi nhận TSCĐ vô hình do có nguồn lực vô hình, được xem xét bởi ba yếu tố sau::

(1)Tính có thể xác định được. Bởi vì, TSCĐ vô hình này có thể xác định được để phân biệt một cách rõ ràng so với lợi thế thương mại. Tài sản này được xác định thông qua việc góp vốn và được định gía do các thành viên, cổ đông sáng lập theo nguyên tắc nhất trí hoặc do tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá, nếu định gía cao hơn gía trị thực tế phải liên đới chịu trách nhiệm (theo Điều 30 của Luật doanh nghiệp). Tài sản được góp vốn trong doanh nghiệp khác có thể xác định được lợi ích kinh tế cụ thể từ tài sản đó trong tương lai thông qua thỏa thuận trong Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu (Hợp đồng License).

(2) Có khả năng kiểm soát được. Bởi vì, doanh nghiệp đó có quyền thu lợi ích kinh tế trong tương lai mà tài sản đó đem lại,có khả năng kiểm soát đối với lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng nhãn hiệu này được pháp luật thừa nhận hoặc xác lập (nếu đăng ký Hợp đồng License tại Cục Sở hữu Trí tuệ).

(3) Có lợi ích kinh tế trong tương lai. Bởi vì, lợi ích kinh tế trong tương lai mà nhãn hiệu này đem lại cho doanh nghiệp đó có thể làm tăng doanh thu hoặc lợi ích khác xuất phát từ việc sử dụng nhãn hiệu này.

Ngày nay, việc góp vốn bằng gía trị quyền sở hữu trí tuệ đã trở thành thông lệ rất phổ biến trên thế giới. Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngay từ đầu đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tài sản vô hình này, khi đó bên chuyển quyền được chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn mà không nhận gía chuyển giao còn bên được chuyển quyền được khấu hao tài sản vô hình này. Đối với gía trị quyền sử dụng nhãn hiệu này khi đã được bên được chuyển quyền định gía hợp lý làm tài sản thì bên chuyển quyền được ghi nhận khoản chênh lệch lớn hơn giữa gía trị tài sản do đánh giá lại khi góp vốn so với gía trị ghi sổ sách thì được hạch toán vào thu nhập khác theo Chuẩn mực kế toán và Thông tư 23/2005/TT-BTC. Tuy nhiên, khoản chênh lệch này không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế TNDN theo Công văn số 3041 TCT/CS của Tổng Cục Thuế ngày 13/8/2002.

Từ những phân tích trên, có thể thấy một khi pháp luật chuyên ngành về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ đã cho phép góp vốn (mà góp vốn là một trong những phương thức thanh toán gía chuyển giao quyền sử dụng) nên không tính giá chuyển giao license và Điều lệ doanh nghiệp được chuyển giao đã ghi nhận tài sản góp vốn thông qua việc đăng ký kinh doanh mà Bộ Tài chính và Tổng Cục Thuế chưa cho phép xác định là TSCĐ vô hình thì hệ qủa là không có nguồn để hoàn trả vốn góp cho nhà đầu tư do không được khấu hao tài sản này. Chẳng hạn, như trường hợp Công ty TNHH Kinh Đô đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sau đó, Công ty  này góp gía trị quyền sử dụng nhãn hiệu vào doanh nghiệp được chuyển giao, việc cho sử dụng nhãn hiệu đã được cấp  Giấy chứng nhận đăng ký Hợp đồng LiXăng và Điều lệ doanh nghiệp tiếp nhận đã ghi nhận tài sản góp vốn thông qua đăng ký kinh doanh mà nay Bộ Tài chính và Tổng Cục Thuế không cho góp vốn bằng gía trị quyền sử dụng nhãn hiệu là không phù hợp với Hiến pháp khi tài sản hợp pháp được quyền góp vốn và được Nhà nước bảo hộ cũng như không phù hợp với sự hội nhập kinh tế thế giới./.

Ghi chú: Báo Đầu tư số 123 ngày 13/10/2006 đã đưa tin.