KIỂM TOÁN THỜI HỘI NHẬP

KIỂM TOÁN THỜI HỘI NHẬP

                                                   Luật gia & Kiểm toán viên Phạm Thế Vinh

                                    GĐ Cty Tư vấn Luật & Kiểm Toán Hoàng Gia-SCCT

Hàng năm, cứ vào năm mới, đội ngũ những người hành nghề kế toán, kiểm toán lại tất bậc cho việc hoàn thành báo cáo quyết toán thuế, lập báo cáo tài chính hoặc phát hành báo cáo kiểm toán cho DN phải trong thời hạn luật định chỉ có 90 ngày kể từ ngày đầu năm, trừ những DN có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký năm tài chính khác năm dương lịch.

Ngày nay, nghề kế toán, kiểm toán không còn thuần túy và đơn giản là việc ghi chép các hoạt động kinh tế một cách thụ động mà thực sự phải tổ chức hệ thống thông tin kinh tế, tài chính hướng đến sự công khai, minh bạch, làm căn cứ tin cậy cho việc quản lý, điều hành của DN cũng như của Nhà nước. Kế toán, kiểm toán vừa là công cụ quản lý kinh tế quan trọng, hữu hiệu để kiểm kê, kiểm soát hoạt động kinh tế, tài chính, đo lường hiệu qủa kinh doanh, hiệu qủa sử dụng nguồn lực, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, lại vừa là ngành dịch vụ thương mại hỗ trợ kinh doanh phát triển không ngừng. Ngành dịch vụ kế toán, kiểm toán ở nước ta đang bước vào tuổi 14 nên còn non trẻ so với thế giới đã phát triển hàng trăm năm, do vậy chúng ta rất cần  học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển. Tuy nhiên, theo đánh gía của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Đại hội Liên đoàn Kế toán các nước Asean lần thứ 14 vào tháng 12 năm 2005 tại Hà Nội, “ngành kế toán, kiểm toán VN đã có những cống hiến xứng đáng vào những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới của nước ta như: kinh tế tăng trưởng ở mức độ cao, nhiều mục tiêu thiên niên kỷ đã được thực hiện tốt, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, chính trị xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại rộng mở, vị thế của VN được nâng cao trong cộng đồng quốc tế. Với tư cách là một loại hình dịch vụ, kế toán và kiểm toán VN đã hình thành và phát triển mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng, nâng cao chất lượng và hiệu qủa của nền kinh tế, của các DN và các tổ chức tài chính, đã từng bước hội nhập với khu vực và thế giới”.

Tự do hóa dịch vụ kế toán, kiểm toán tiền đề hội nhập kinh tế:

Có thể nói, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới là xu thế khách quan đã và đang đòi hỏi mỗi quốc gia phải xây dựng một lộ trình phù hợp. Tạo lập một thị trường dịch vụ chung, trong đó có thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán là đòi hỏi của thực tế, của nhu cầu các nước và mỗi quốc gia trên thế giới. Ngày nay, dịch vụ thương mại nói chung, dịch vụ kế toán, kiểm toán nói riêng, đã trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng đánh kể  trong thương mại toàn cầu. Việc tự do  hóa thương mại dịch vụ thể hiện qua 4 hình thức, đó là:1/cung cấp dịch vụ qua biên giới; 2/Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài;3/Hiện diện thương mại (các pháp nhân); 4/Hiện diện thể nhân. Trong đó, hình thức cung cấp dịch vụ thông qua sự hiện diện thương mại và hiện diện thể nhân rất thông dụng ở nhiều nước thành viên. Cho nên vấn đề tự do hóa dịch vụ kế toán, kiểm toán đã trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia, nhất là các nước phát triển với mục tiêu là các quốc gia loại bỏ những hạn chế, rào cản đối với hoạt động của pháp nhân và thể nhân nước ngoài trên lãnh thổ nước mình và dành cho nhau Quy chế đối xử quốc gia (NT). Nghĩa là, không có sự phân biệt đối xử trong hoạt động thương mại dịch vụ, ngay cả sản phẩm hoặc dịch vụ khi được nhập khẩu vào thị trường một quốc gia phải được đối xử ưu đãi như sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự sản xuất trong nước.

Chặng hạn, theo các cam kết mà Chính phủ VN đã ký trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương cho việc gia nhập WTO thì VN phải thực hiện lộ trình mở cửa dịch vụ kế toán, kiểm toán và không hạn chế việc thành lập Công ty kế toán, Công ty kiểm toán, Công ty tư vấn tài chính …Thật vậy, theo các cam kết này, VN đã cho phép Công ty kế toán, Công ty kiểm toán nước ngoài thành lập hoặc liên doanh, liên kết với DN VN để cung ứng dịch vụ kế toán, kiểm toán. Qua 15 năm hình thành thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, với việc cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ này, đến nay VN đã có 84 Công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán. Trong đó có 4 Công ty 100% vốn nước ngoài, 14 Công ty cổ phần, 51 Công ty TNHH, 12 Công ty hợp danh và 3 Công ty Nhà nước đang trong qúa trình chuyển đổi loại hình sở hữu. Ngược lại, các Công ty dịch vụ kế toán, kiễm toán VN sẽ được phép hoạt động ở nước ngoài với tư cách là nhà đầu tư VN đầu tư ra nước ngoài.

Xu thế hình thành thị trường thống nhất về dịch vụ kế toán và kiểm toán khu vực

Hiện thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán thống nhất đã và đang hình thành trong khu vực ASEAN. Đó là một xu thế, một yêu cầu mới, một cơ hội mới cho sự phát triển và nhất thể hóa nghề kế toán, kiểm toán trong khu vực. Điều này đã đặt ra yêu cầu thách thức đối với các DN kế toán, kiểm toán VN. Ngành kế toán, kiểm toán giờ đây đã trở thành loại hình dịch vụ phát triển mạnh mẽ, năng động chứ không chỉ là công cụ quản lý đơn thuần. Dự kiến lộ trình để thống nhất thị trường này thì tối thiểu cũng mất 7 năm với nỗ lực của từng quốc gia, từng DN. Thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán thống nhất đòi có sự chuẩn bị ở tất cả các nước thành viên về khuông khổ pháp lý, về sự nhất thể hóa các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán quốc gia, chuẩn mực kiểm toán của mỗi nước, thu hẹp khoảng cách khác biệt, thống nhất về chương trình đào tạo, huấn luyện nghề nghiệp kế toán, kiểm toán; công nhận, thừa nhận lẫn nhau về bằng cấp, chứng chỉ hành nghề…

Một số giải pháp thúc đẩy ngành kế toán và kiểm toán VN hội nhập khu vực

 

1/Về khuông khổ pháp lý: Tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật nghề nghiệp:

+Đối với hành nghề kế toán: Nhà nước cần chấn chỉnh tình trạng người cung ứng dịch vụ kế toán không có Chứng chỉ hành nghề kế toán mà phần đông những người hành nghề dịch vụ kế toán cá nhân không một trường hợp nào có đăng ký kinh doanh cá thể và đăng ký nộp thuế như quy định tại Nghị định số 129/2004/NĐ-CP nhằm ngăn chặn chất lượng dịch vụ không cao, không chuyên nghiệp, ảnh hưởng môi trường cạnh tranh không lành mạnh, làm cho thị trường dịch vụ kế toán trong nước đã không thống nhất nói chi đến khu vực. Về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích DN sử dụng dịch vụ kế toán chuyên nghiệp thay cho tuyển dụng người lao động làm kế toán, vì đây là xu hướng của các nước trên thế giới (ở các nước phát triển vào khoảng 80-90% DN có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán, kiểm toán còn ở VN chưa tới 20%). Cần bổ sung phương thức kinh doanh nhượng quyền thương mại (Franchise) trong lĩnh vực kế toán, thuế khi mở cửa thị trường dịch vụ kế toán, thuế (ngoài phương thức hiện có là làm thành viên tổ chức hành nghề kế toán, kiểm toán nước ngoài).

+Đối với hành nghề kiểm toán: Cần sớm xây dựng Luật kiểm toán độc lập thay cho Nghị định hiện hành để đảm bảo gía trị pháp lý cao cho hoạt động nghề nghiệp.

 +Đối với hành nghề thuế: Hiện nay theo quy định của Nghị định số 129hướng dẫn thi hành Luật kế toán thì nội dung hành nghề kế toán bao gồm cả hành nghề thuế mà chưa có quy định riêng về hành nghề thuế. Theo quy định hiện hành, DN muốn đăng ký kinh doanh tư vấn thuế phải có chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán. Do vậy, cũng cần có quy định riêng về điều kiện, phạm vi hành nghề thuế, trách nhiệm, chứng chỉ hành nghề thuế cho những DN chỉ muốn kinh doanh tư vấn  thuế mà không thực hiện dịch vụ kế toán. Mặt khác, hiện nay theo quy định của những nước phát triển thì hành nghề thuế cũng có chứng chỉ riêng (Certificate of Enrollment). Theo dự kiến  trong vòng 2 năm tới, khi VN triển khai thuế thu nhập cá nhân cho mọi người dân thì dịch vụ khai thuế sẽ trở nên sôi động, khi đó việc hành nghề thuế sẽ phát triển mạnh.

   Ngoài ra, cần có lộ trình tiến tới chấm dứt việc tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp vì không minh bạch và công bằng. Hơn nữa, theo Luật DN mới (có hiệu lực từ 1/7/2006) thì hộ cá thể sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký DN.

+Đối với Hội nghề nghiệp: Hiện nay Bộ Tài chính đã có Quyết định số 47/2005/QĐ-BTC chuyển giao cho Hội nghề nghiệp thực hiện một số nội dung công việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán. Đây là một sự đổi mới và cải cách rất tích cực của Bộ Tài chính phù hợp với chủ trương xã hội hóa chức năng quản lý nhà nước về hoạt động nghề nghiệp của Hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, nội dung chuyển giao, lộ trình chuyển cần đầy đủ, triệt để và nhanh chóng hơn. Không nên chuyển giao “nửa vời” như Quyết định 47quy định “Từ năm 2008 Hội nghề nghiệp phối hợp cùng Bộ Tài chính tổ chức thi tuyển và cùng ký tên trên Chứng chỉ kiểm toán viên, Chứng chỉ hành nghề kế toán”, bởi như vậy sẽ hạn chế tính chủ động sáng tạo của Hội và trách nhiệm cũng không rõ ràng. Cần tạo điều kiện để Hội nghề nghiệp được quyền hướng dẫn chuẩn mực, hướng dẫn nghiệp vụ như Hội nghề nghiệp các nước.

2/Về Chuẩn mực: Được xem như là “Hiến pháp” do đó rất cần những văn bản hướng dẫn thi hành.

 +Về Chuẩn mực kế toán được xem như là “Luật nội dung” so với chuẩn mực kiểm toán là “Luật hình thức”. Tuy nhiên, lẽ ra Nhà nước cần ban hành “Luật nội dung” trước “Luật hình thức” nhưng ngược lại, do có những khó khăn khách quan và chủ quan nên Chuẩn mực kiểm toán đã được ban hành đầy đủ (38 chuẩn mực) trước Chuẩn mực kế toán (26 chuẩn mực kế toán và tạm dừng lại). Đây cũng là một trở ngại cho người hành nghề kiểm toán có “phương tiện” mới nhưng lại thiếu “hàng hóa” phù hợp để chở. Mặt khác, trong 26 Chuẩn mực kế toán hiện hành, chúng ta vẫn xây dựng theo  nguyên tắc gía gốc (DN không được quyền tự định gía tài sản theo gía thị trường trừ khi Nhà nước cho phép) nên chưa phù hợp với Chuẩn mực quốc tế áp dụng nguyên tắc gía tri hợp lý (gía thị trường). Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang khắc phục hạn chế này và mạnh dạn áp dụng nguyên tắc gía trị hợp lý trong Chuẩn mực hợp nhất kinh doanh mới ban hành còn những Chuẩn mực đã ban hành thì sau này sẽ xem xét lại. Cần nhận thấy trở ngại khi chúng ta chậm ban hành hoặc sửa đổi không kịp thời Chuẩn mực VN thì chúng ta càng chậm hơn các nước khác khi họ cập nhật kịp thời những Chuẩn mực quốc tế luôn sửa đổi.

   +Vừa qua khi áp dụng hạch toán theo Chuẩn mực “hợp đồng xây dựng” cho các DN xây dựng đã làm tăng tài sản DN lên đáng kể của năm tài chính đầu tiên do sử dụng tài khoản thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng. Đây không phải tăng tài sản do hiệu quả kinh doanh đem lại nên các nhà đầu tư cần phân biệt rõ.

   +Đến nay một số Chuẩn mực kế toán có được Thông tư hướng dẫn thực hiện. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn các Chuẩn mực kế toán còn lại làm trở ngại trong việc hành nghề. Nếu như việc này chuyển giao cho Hội nghề nghiệp đãm trách thì sẽ nhanh chóng hơn. Riêng các Chuẩn mực kiểm toán đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thêm.

   +Chuẩn mực kiểm toán mới ban hanh về đạo đức nghề nghiệp quy định rất chi tiết dành cho người làm kế toán (VN điều chỉnh cả người làm kế toán cho DN), hành nghề kế toán, hành nghề kiểm toán dựa trên Chuẩn mực quốc tế. Điều thú vị là, Chuẩn mực này đề cập đến hoạt động đa ngành nghề trong DN kiểm toán trên thế giới: từ dịch vụ kiểm toán, dịch vụ đảm bảo, dịch vụ kế toán, dịch vụ thuế, tư vấn quản lý, tư vấn tài chính đến dịch vụ định gía tài sản đặc biệt cả dịch vụ tư vấn pháp lý và dịch vụ tố tụng. Tuy nhiên, Chuẩn mực này chưa đề cập đến trường hợp mà quyền lợi của 2 khách hàng đối kháng nhau ảnh hưởng đến tính độc lập của nghề nghiệp đó là 2 vợ chồng sắp  ly hôn nhưng cả 2 là khách hàng lâu năm của DN về khai thuế nên trong trường hợp này theo hướng dẫn của Chuẩn mực quốc tế thì DN chỉ chọn 1 người hoặc từ chối cả 2.

   +Do chưa lường hết các thay đổi khi ban hành các Chuẩn mực kế toán nên đã thay đổi nhiều lần về một vấn đề, chẳng hạn mẫu Báo cáo tài chính được thay đổi 6 lần, từ Quyết định 1141 TC/QĐ/CĐKT năm 1995, Quyết định 167/2000/QĐ-BTC năm 2000, Thông tư 55/2002/TT-BTC năm 2002, Thông tư 89/2002/TT-BTC năm 2002, Thông tư 105/2003/TT-BTC năm 2003 đến Thông tư 23/2005/TT-BTC năm 2005 trong thời gian qua gây khó khăn cho DN. Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa mới ký Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp, thay thế Chế độ kế toán doanh nghiệp theo Quyết định số 1141TC/QĐ/CĐKT, xây dựng trên nguyên tắc hệ thống và cập nhật các quy định mới nhất của Luật kế toán và 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam.

  +Ở nước ta cũng như nhiều nước đang phát triển, đa số các DN đều là DN nhỏ và vừa (DNNVV) nên hệ thống Chuẩn mực quốc tế và quốc gia hiện nay chưa phù hợp với tính chất quản lý gia đình của DNNVV này nên khó áp dụng Chuẩn mực được vì tính không minh bạch, rõ ràng trong quản lý.Các DN này hiện đang áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp DNNVV theo Quyết định 1177 TC/QĐ/CĐKT và  không tuân theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành. Chính vì vậy, Ban soạn thảo Chuẩn mực quốc tế đang  xây dựng Bộ Chuẩn mực kế toán cho DNNVV rút gọn từ  2000 trang xuống còn 200 trang để phù hợp với quy mô nhỏ. Hy vọng, sau này Việt Nam cũng sẽ có  Bộ Chuẩn mực kế toán Việt Namcho DNNVV.

  +Việc sử dụng tư liệu của Chuyên gia theo Chuẩn mực kiểm toán số 620 chưa được phổ biến. Chẳng hạn, một Công ty kiểm toán ở Châu Âu thông thường gởi thư xin ý kiến Chuyên gia chiếm đến 50% số bằng chứng kiểm toán cần thu thập nhưng tại VN, các Cty kiểm toán số thư gởi xin ý kiến Chuyên gia chỉ chiếm khoảng 5%. Đây là một hạn chế do chưa quen tư vấn của DN kiểm toán VN.

  +Việc xem xét hồ sơ kiểm toán của Kiểm toán viên năm trước thuộc Công ty kiểm toán khác theo Chuẩn mực kiểm toán năm đầu tiên-số dư đầu năm tài chính hoặc trường hợp phải tiếp xúc với Kiểm toán viên năm trước của Công ty kiểm toán khác theo Chuẩn mực Thông tin có tính so sánh là điều tế nhị,  rất hiếm khi được Công ty kiểm toán VN áp dụng. Bởi vì, hiện nay trong nhiều trường hợp, việc thay đổi Công ty kiểm toán không phải do Công ty kiểm toán từ chối khách hàng mà có thể do thủ thuật cạnh tranh không lành mạnh bằng hạ gía phí của Công ty kiểm toán mới mà người trong nghề cần lên án.

3/Đào tạo đội ngũ hành nghề kế toán, kiểm toán:

   Khi hội nhập kinh tế thì thông tin nghiệp vụ trở nên rộng lớn như đại dương, do vậy đòi hỏi người làm kế toán, kiểm toán phải thường xuyên cập nhật kiến thức và nâng cao trình độ đạt tiêu chuẩn quốc tế mới hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, cần thiết mở rộng tổ chức đào tạo trong nước và nước ngoài, không chỉ các Trường Đại học mọi thành phần kinh tế mà còn thông qua các Tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước, bằng nhiều phương thức: tập trung, từ xa, online… thống nhất về chương trình đào tạo, huấn luyện nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trên cơ sở đó công nhận, thừa nhận lẫn nhau về bằng cấp, chứng chỉ hành nghề.

4)Phí dịch vụ gia tăng:

Do yêu cầu nâng cao trình độ nghiệp vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế của đội ngũ hành nghề chuyên nghiệp nên gía thành nhân lực gia tăng cộng với quy trình nghiệp vụ phức tạp và chặt chẽ hơn kéo theo phí dịch vụ kế toán, kiểm toán tăng theo.

Có thể nói, kế toán, kiểm toán đã phục vụ đắc lực, có hiệu qủa cho công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Các “nhà kế toán sẽ xung kích thực hiện yêu cầu hội nhập của nền kinh tế mở, phấn đấu để nghề kế toán, kiểm toán không chỉ là công cụ quản lý mà còn là loại hình dịch vụ phát triển mạnh mẽ, năng động vì sự phồn vinh của mỗi quốc gia, vì khu vực ASEAN hòa bình, ổn định, đoàn kết và phát triển”. Do vậy, ngành kế toán, kiểm toán là một trong những ngành sáng gía trong tương lai/.

* Bài viết này đã đăng tin trên:

 -Tạp chí Kế toán số 59 Tháng 3/2006