Đánh thuế thu nhập cá nhân lãi tiền gửi tiết kiệm cần cái nhìn toàn diện

Đánh thuế thu nhập cá nhân lãi tiền gửi tiết kiệm cần cái nhìn toàn diện

                                                                                                                                                                                                                                        PHẠM THẾ VINH 
Luật sư-Kiểm toán viên-Chartered Tax Adviser-Đại lý Thuế

Qua trao đổi, góp ý kiến sửa đổi 5 luật thuế là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên thì đang nổi lên ý kiến tranh luận liên quan đến kiến nghị đánh thuế thu nhập cá nhân đối với khoản lãi tiền gửi tiết kiệm. Để rộng đường xem xét vấn đề này, trước hết chúng ta cần điểm qua Luật thuế thu nhập cá nhân lần đầu tiên áp dụng từ đầu năm 2009.

Sau 8 năm triển khai thuế thu nhập cá nhân thay cho thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đã là bước tiến đáng kể tiến dần đến thông lệ quốc tế, vì hầu hết các nước trên thế giới đã áp dụng thuế này từ lâu do tính chất minh bạch, công bằng và nhân đạo của nó.

Đây là một sắc thuế trực thu có phạm vi điều chỉnh rộng lớn nhất từ trước tới nay, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục triệu người, ngoài cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì thuế TNCN đã chuyển đối tượng nộp thuế là hộ, cá nhân kinh doanh, cá nhân chuyển nhượng vốn góp…từ áp dụng thuế TNDN sang thuế TNCN. Bên cạnh đó, một số khoản thu nhập cá nhân lần đầu tiên đã phải chịu thuế như: chuyển giao tài sản (gồm chuyển nhượng, nhận thừa kế, qùa tặng) về bất động sản, chứng khoán, nhượng quyền thương mại, tài sản khác có đăng ký…

Kẽ hở cho nhà đầu tư: càng vay nhiều, càng lời nhiều

Do vậy, Luật thuế TNCN cũng không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Việc loại “trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước” ra khỏi thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân trong Luật thuế TNCN hiện hành đã tạo ra “kẽ hở cho nhà đầu tư: khi càng vay nhiều, càng lời nhiều” và đồng thời cũng thể hiện thiếu công bằng cho khoản nhận lãi từ trái phiếu phải chịu thuế. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp đi vay ngân hàng 100 triệu đồng với lãi suất 7%/năm thì khoản lãi tiền vay phải trả là 7 triệu đồng sẽ được giảm trừ toàn bộ vào chi phí tính thuế của doanh nghiệp dẫn đến làm giảm thu nhập tính thuế của doanh nghiệp. Giả sử nhà đầu tư không đi vay mà chấp nhận góp vốn 100 triệu đồng vào doanh nghiệp thì thu nhập tính thuế của doanh nghiệp sẽ tăng thêm 7 triệu đồng do không phải trả lãi này thì sau khi nộp thuế TNDN 20% của 7 triệu đồng tăng thêm sẽ còn lại 5,6 triệu đồng thu nhập sau khi nộp thuế TNDN. Ngược lại, nếu nhà đầu tư sử dụng 100 triệu đồng để cá nhân gởi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất hiện nay là 6,5%/năm thì sẽ nhận được 6,5 triệu đồng, nhiều hơn 5,6 triệu đồng của trường hợp bỏ vốn ra kinh doanh do không phải nộp thuế TNCN còn doanh nghiệp thì sử dụng phương thức đi vay ngân hàng nói trên để được hạch toán vào chi phí kinh doanh: càng vay nhiều càng lời nhiều khi tỷ suất thuế TNDN (20% hiện hành, dù có sửa đổi từ 15% theo dự thảo Luật thuế TNDN) lớn hơn tỷ lệ chênh lệch lãi suất miễn thuế của tiền gởi tiết kiệm cá nhân và lãi suất tiền vay là 7,14%, dựa trên công thức tính: 100%-(6,5% /7%).

Như vậy, nếu chúng ta không khắc phục lỗ hổng này thì doanh nghiệp sẽ lợi dụng việc vay vốn này để gởi tiền tiết kiệm không những làm giảm nguồn nộp thuế TNDN mà còn làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay trong doanh nghiệp.

 

Nên gộp lãi tiền gửi tiết kiệm cá nhân vào thu nhập từ tiền lương, tiền công để tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần

Nếu như chưa thể sửa đổi toàn diện các khoản mục tính thuế TNCN chuyển từ tính thuế từng lần phát sinh sang theo biểu thuế chung lũy tiến từng phần như các nước Úc, New Zealand…thì cần đề ra lộ trình để thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, trước mắt cần gộp lãi tiền gửi tiết kiệm cá nhân vào thu nhập từ tiền lương, tiền công để tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần để đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa thể nhân và pháp nhân cũng như đảm bảo giảm trừ gia cảnh đối với thu nhập của người  gởi tiết kiệm là nguồn thu nhập chính.

Ngoài ra, theo dự thảo sửa đổi thuế TNDN lần này đầu tiên bổ sung Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế  “q) Chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại, riêng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì tỷ lệ này không quá 12 lần vốn chủ sở hữu” cũng góp phần gián tiếp hạn chế sự lợi dụng kẽ hở nói trên./.

Bài viết đăng trên Báo Tuổi Trẻ ngày 30/9/2017: Đánh thuế tiền lãi tiết kiệm để ‘bịt kẽ hở’ http://tuoitre.vn/danh-thue-tien-lai-tiet-kiem-de-bit-ke-ho-20170930205952605.htm