GÓP Ý LUẬT SỬA ĐỔI , BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KẾ TOÁN

GÓP Ý LUẬT SỬA ĐỔI , BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KẾ TOÁN

         Hồ Chí Minh, ngày 19/01/2014

                   GÓP Ý LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KẾ TOÁN

                                                                                                

            LS-KTV-CTA Australia PHẠM THẾ VINH

                 Th.S- KTV-MIPA Australia TRẦN THỊ HỒNG NGỌC

                     Công ty Tư vấn Luật & Kiểm toán Hoàng Gia-SCCT

 

         Kính gởi : Bộ Tài chính

 

Để Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác kế toán Việt Nam trong giai đoạn hội nhập toàn diện với thế giới, tiếp thu các thông lệ và các chuẩn mực kế toán quốc tế là một bước tiến lớn cho những người làm nghề kế toán nói chung và những người hành nghề kế toán nói riêng. Dưới góc độ là người hành nghề kế toán, chúng tôi xin góp một số ý kiến liên quan đến Dự án Luật như sau:

1/Cần bổ sung nguyên tắc hạch toán theo giá trị hợp lý cả tài sản và nợ phải trả:

Dự án Luật cần bổ sung nguyên tắc hạch toán và lập báo cáo tài chính theo giá trị hợp lý không chỉ  là giá trị sẽ nhận được khi bán tài sản mà còn là giá trị được trả khi chuyển nhượng nợ phải trả trong giao dịch có tổ chức giữa các bên  tham gia thị trường tại ngày đo lường. Đây cũng là nội dung của Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 13 – Đo lường giá trị hợp lý mà Chuẩn mực kế toán VN cần hoàn thiện phù hợp với sự đổi mới của Chuẩn mực quốc tế trong Chiến lược kế toán-kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được quy định trong Quyết định số 480/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, việc áp dụng nguyên tắc giá trị hợp lý trong những năm tới phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam sẽ hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường chậm nhất là 31/12/2018 như cam kết WTO.

2/Cần tách biệt Kế toán viên công chứng (Public Accountant) với Chứng chỉ hành nghề kế toán công chứng (Public Practice Certificate-PPC):

 

Theo Luật kế toán hiện hành đã không phân biệt Kế toán viên công chứng (Public Accountant) với Chứng chỉ hành nghề kế toán công chứng (Public Practice Certificate) như thông lệ quốc tế mà gộp chung lại là Chứng chỉ hành nghề kế toán (Accounting Practice Cerificate) được Bộ Tài chính cấp “chức danh” Kế toán viên hành nghề cho người đạt kết quả 4 môn thi theo quy định mà không cần điều kiện phải đang làm tại doanh nghiệp dịch vụ kế toán mà chỉ cần có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 60 tháng). Trong khi đó, Bộ Tài chính chỉ cấp “chức danh” Kiểm toán viên cho người đạt kết quả 7 môn thi (nếu có Chứng chỉ hành nghề kế toán thì thêm 03 môn thi). Kiểm toán viên nếu muốn gắn thêm chữ hành nghề sau chức danh Kiểm toán viên thì phải đang làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán và phải thỏa mãn nhiều điều kiện mới được cấp “chức danh” Kiểm toán viên hành nghề với Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán có thời hạn tối đa 5 năm.

Do vậy, để tránh nhầm lẫn giữa hành nghề kiểm toán với kế toán và hội nhập quốc tế, dự án Luật cần sửa tên gọi và tách 2 mức độ hành nghề của Chứng chỉ hành nghề kế toán như sau:

+ Bộ Tài chính cấp “chức danh” Kế toán viên công chứng (Public Accountant) cho người đạt kết quả 4 môn thi như Bộ Tài chính đã chính thức sử dụng tên gọi hội viên chính thức của Hiệp hội kế toán công chứng Anh (The Association of Chartered Certified Accountants-ACCA), Hiệp hội kế toán viên công chứng Australia (CPA Australia) trong Thông tư 129/2012/TT-BTC.

+ Bộ Tài chính cấp “chức danh” Kế toán viên công chứng hành nghề với Chứng chỉ hành nghề kế toán công chứng (Public Practice Certificate) khi đang làm kế toán tại doanh nghiệp kế toán, kiểm toán hoặc muốn hành nghề kế toán cá nhân mà thu nhập gộp mỗi năm về kế toán của Kế toán viên công chứng này dự kiến vượt trên một mức nhất định (có thể dự kiến 200 triệu đồng/năm), chẳng hạn tại Australia, nếu hội viên CPA/FCPA có thu nhập kế toán gộp cả năm trên 25.000 AUD thì phải đủ điều kiện để được cấp Public Practice Certificate (PPC); nếu hội viên MIPA/FIPA của Institute of Public Accountants có thu nhập kế toán gộp cả năm dự kiến trên 10.000 AUD thì phải đủ điều kiện để được cấp Professional Practice Certificate (PPC) có giá trị từng năm hành nghề,

Ngoài ra, ở Australia khi bán doanh nghiệp nhỏ có goodwill, nhà xưởng, máy móc, thiết bị lắp đặt tổng cộng từ 350.000 AUD trở xuống thì phải có Kế toán viên công chứng (Public Accountant) ký xác nhận thông tin tài chính của doanh nghiệp trên hồ sơ bán doanh nghiệp nhằm làm tăng độ tin cậy về tính trung thực và hợp lý của số liệu tài chính đối với bên mua.

3/Không cần thiết phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và vốn pháp định như kinh doanh dịch vụ kiểm toán độc lập.

Có nhiều lý do không cần thiết phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và quy định vốn pháp định như kinh doanh dịch vụ kiểm toán độc lập, bởi vì:

a/Theo quy định, đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán, làm kế toán trưởng (in-house) hoặc thuê làm kế toán, kế toán trưởng (outsource). Điều này có nghĩa là, một người làm kế toán có quyền chọn một hoặc cả hai phương thức thực hiện kế toán: thực hiện theo quan hệ Hợp đồng lao động (in-house Public Accountant, in-house Accountant) thì không cần đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán, không cần đăng ký vốn, không cần giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề kế toán (nếu có), không cần chi phí bảo hiểm nghề nghiệp, cập nhật kiến thức…hoặc theo quan hệ Hợp đồng dịch vụ kế toán thì ngược lại, phải cần đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán, cần đăng ký vốn, cần giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề kế toán (nếu có), cần chi phí bảo hiểm nghề nghiệp, cập nhật kiến thức…rất tốn kém mà hiệu quả không cao vì chất lượng kế toán chưa chắc nâng cao và ngoài hai kế toán viên hành nghề phải góp vốn, thì những kế toán viên hành nghề còn lại vẫn có thể chọn hình thức Hợp đồng lao động trong doanh nghiệp kế toán (không cần nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán) như vậy họ vẫn có thể làm kế toán dưới hình thức lao động cho doanh nghiệp khác.

b/Các dịch vụ kế toán, kể cả dịch vụ tổng hợp thông tin tài chính theo Chuẩn mực kiểm toán 930: bao gồm việc lập một phần hoặc toàn bộ báo cáo tài chính, báo cáo tài chính tổng hợp, báo cáo tài chính hợp nhất hoặc việc thu thập, phân loại và tổng hợp các thông tin tài chính khác vẫn là dịch vụ không đảm bảo (non-assurance services) nên không thể áp dụng cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán như kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

 c/Ở các nước trên thế giới, chẳng hạn như Australia, họ không Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề kế toán cho doanh nghiệp này cũng không quy định vốn pháp định cho kinh doanh dịch vụ này  mà các Hội nghề nghiệp quản lý mức độ hành nghề của Hội viên mình như trình bày ở trên. Thông thường các Kế toán viên công chứng, Kế toán viên công chứng hành nghề đăng ký chung với Đại lý thuế (Tax Agent), Dịch vụ tư vấn tài chính.

Từ những lý do trình bày trên đây, đã đến lúc chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng người làm kế toán hiện nay khi ủy quyền quản lý cho Hội Kế toán và kiểm toán với 4.000 hội viên hành nghề kế toán nhưng tại sao chỉ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán chỉ có 65 Doanh nghiệp đăng ký dịch vụ kế toán, từ đó đề ra biện pháp quản lý khoa học hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nên chăng, trước mắt, khi các Hội chưa được tự quản như các Hội nghề nghiệp trên thế giới thì Bộ Tài chính chỉ nên quản lý Danh sách các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh ngành nghề dich vụ kế toán thông qua doanh nghiệp gởi Thông báo đang kinh doanh dịch vụ kế toán đến Bộ Tài chính và đồng thời Bộ Tài chính sẽ cấp Chứng chỉ hành nghề kế toán công chứng (PPC) cho các Kế toán viên công chứng đang hành nghề kế toán trong các doanh nghiệp này khi phát sinh nhu cầu của năm đó thì khả thi hơn mà không cần thiết phải quy định thêm về vốn pháp định và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán so với quy định hiện hành.

Hy vọng dự án Luật sửa đổi Luật kế toán Việt Nam sớm được thông qua sẽ tạo nên sự thông thóang cho việc hành nghề kế tóan nói riêng và sẽ thúc đẩy sự phát triển họat động kế tóan Việt Nam hội nhập với thế giới nói chung, từ đó nâng cao vị thế và đẳng cấp của Kế toán viên công chứng, Kế toán viên công chứng hành nghề Việt Nam./.